Phong tục cưới hỏi độc đáo của người H’Mông

Trước khi vào nhà, cả đoàn rước dâu phải dừng lại trước cửa để bố chú rể làm phép xua đuổi điềm xấu, đón điều may mắn và làm lễ nhập gia cho cô dâu mới.

Vào mùa xuân, khắp các cung đường Tây Bắc rực rỡ sắc màu thổ cẩm của các thiếu nữ tay trong tay rủ nhau xuống chợ, đi chơi xuân hay tham gia vào lễ cưới ở bản. Người H’Mông thường tổ chức lễ cưới hỏi vào dịp này bởi quan niệm mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, là lúc thời tiết đẹp và tươi sáng nhất.

Để có những cuộc gặp gỡ, giao duyên và nên vợ nên chồng như vậy, cứ mỗi dịp chợ phiên, nhất là dịp Tết của người H’Mông, con trai con gái ở độ tuổi 13-15 lại rủ nhau xuống chợ. Các thiếu nữ thay những bộ quần áo mới, trang điểm cho mình thêm xinh xắn rồi hòa vào không khí tấp nập của chợ phiên để hẹn hò.

Những chàng trai H’Mông ở Lào Cai, hay Hà Giang… thường chọn cô gái to khỏe, bắp chân săn vồng, cặp mông mẩy nhún nhảy trong làn váy theo mỗi bước đi. Theo quan niệm của họ, những người con gái đó vừa biết làm nương, se sợi, đẻ mắn và khéo nuôi con.

phong tuc cuoi hoi doc dao cua nguoi hmong 1

Những cô gái Mông xúng xính váy áo xuống chợ.

Theo phong tục của người H’Mông, hôn nhân phải đủ nghi lễ như dạm hỏi, ăn hỏi và lễ đón dâu, tất cả đều được tổ chức vào ngày lành tháng tốt. Lễ dạm hỏi bắt buộc phải có hai ông mối thông thuộc các bài hát nghi lễ cưới xin, kết nối hai nhà để làm thủ tục dạm hỏi và hẹn ngày đón dâu.

Để chuẩn bị cho đám cưới, gia đình chú rể sẽ mời những người trong dòng họ về cùng bàn bạc và chuẩn bị sắm đồ sính lễ. Ngoài thịt lợn, thịt gà, tiền mặt và một số vật dụng, thuốc lào và rượu ngô là hai thứ không thể thiếu khi mở đầu câu chuyện. Mâm cỗ cúng gia tiên không thể thiếu xôi ngũ sắc và thịt lợn, thường được chính mẹ chú rể hoặc một người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình chuẩn bị.

Vào ngày trọng đại, người thân và những người tham dự lễ cưới thường mặc trang phục truyền thống đẹp nhất do chính người phụ nữ H’Mông thêu và may. Khi họ hàng chú rể đã tụ tập đông đủ, trưởng họ bàn giao đồ lễ cho ông mối và cùng nhau kiểm tra đồ lễ thật chu đáo, phân công công việc, họ cùng nhau uống rượu.

Đám cưới người H’Mông bao giờ cũng có phù rể. Sau khi trưởng họ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, trưởng đoàn (ông mối) sẽ hướng dẫn chú rể cùng phù rể vái lạy tổ tiên trời đất (2 lạy tổ tiên, 2 lạy phía ngoài lạy trời đất) rồi đi một vòng quanh bàn để xin phép. Sau đó, họ chuẩn bị lên đường đi đón dâu.

Sau khi ông mối hát bài “Xin chiếc ô đen” và nhận từ tay trưởng họ túi vải, ô, đoàn đón dâu sẽ đến cửa nhà gái. Người ta quan niệm ô để che mưa nắng trên đường rước râu, còn túi để dựng những vật dụng cần thiết của cô dâu khi về nhà chồng.

Khi đến nhà gái, nếu thấy cửa đóng, ông mối sẽ phải hát bài “Xin mở cửa”. Thường thì gia đình cô dâu đã mở cửa sẵn sàng đón khách. Sau đó, họ mời nhau hút thuốc. Lời hát bài “Xin bàn ghế” của ông mối vừa dứt thì bàn rượu được bày ra và gia đình 2 bên cùng nhau uống rượu. Ông mối bàn giao đồ lễ cho nhà gái gồm thịt lợn, thịt gà, rượu ngô, mèn mén, cơm xôi, tiền mặt…

Cô dâu lúc này cũng đã chuẩn bị xong bộ trang phục truyền thống do chính tay mình may, ở trong phòng riêng, được mẹ đẻ căn dặn kỹ càng trước khi về nhà chồng. Sau khi nhà trai xin phép, phù dâu sẽ vào buồng và dắt cô dâu ra ngoài.

phong tuc cuoi hoi doc dao cua nguoi hmong 2

Một đám cưới người Mông được tái hiện.

Phù rể sẽ cùng chú rể quỳ lạy tổ tiên, vái lạy cha mẹ nhà gái trước khi rước dâu đi. Sau khi hoàn tất các thủ tục, cô dâu được 2 anh em trong gia đình dắt tay ra cửa trao cho người đón đâu. Đoàn rước dâu sẽ phải đi khắp bản làng để mọi người cùng chứng kiến.

Theo phong tục, khi cô dâu, chú rể đã ra khỏi cửa thì không được quay đầu nhìn lại nhà cha mẹ cô dâu nữa. Đoàn đón dâu đi đến nửa đường phải dừng chân nghỉ lại, bày đồ ăn thức uống ra để ông mối làm lễ mời các vị thần.

Trước khi vào nhà trai, cả đoàn phải dừng lại trước cửa để bố của chú rể đón cặp vợ chồng. Trên tay ông cầm sẵn một con gà trống để làm phép, đưa sang trái và phải 3 cái để xua đuổi những điềm không may, đón những điều may mắn và làm lễ nhập gia cho cô dâu mới.

Lúc này, người làm mối sẽ trao cô dâu cho họ nhà trai. Sau khi báo cáo việc đưa đoàn dẫn dâu thành công, họ lại cùng nhau nâng những chén rượu ngô nồng ấm, chúc tụng những lời tốt đẹp, cầu chúc cho đôi trẻ hạnh phúc bền lâu. Cỗ tiệc ở nhà trai lúc này cũng đã được bày sẵn, trưởng họ nhà trai mời tất cả mọi người trong bản, gia đình nhà gái ở lại phá cỗ mừng dâu mới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo